na
Bản tin lưu trữ
Tìm hiểu các quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập nhằm phòng chống tham nhũng.
27/06/2011 09:44:18

Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của nhười có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản thu nhập của người đó phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức, góp phần phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả hơn....

Việc kê khai tài sản, thu nhập và xác minh tài sản, thu nhập được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ; Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ngày 03/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 03/7/2007 của Thanh tra Chính phủ và Thông tư số 01/2010/TT-TTCP ngày 22/01/2010 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ. Tính đến nay, quá trình chúng ta thực hiện những quy định này đã được ba năm. Đây là dịp chúng ta nhìn lại, rút ra những mặt được và chưa được, đồng thời đề ra các giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới để công tác này ngày một hiệu quả hơn và ngày càng mang lại những tác dụng thiết thực, góp phần vào việc nâng cao niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta và vào việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo hiện nay.

 

       1. Một số đánh giá các quy định về kê khai, xác minh tài sản, thu nhập

 Theo Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 03/7/2007 của Thanh tra Chính phủ và Thông tư số 01/2010/TT-TTCP ngày 22/01/2010 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 của Thanh tra Chính phủ thì đối tượng phải kê khai tài sản đã mở rộng đến đối tượng từ cán bộ địa chính cấp xã đến bộ trưởng, trưởng các ban ngành trung ương, từ doanh nghiệp đến các cơ quan nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước. Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 16/3/2010 này, các đối tượng có nghĩa vụ kê khai là những người có chức vụ từ Phó trưởng phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, trong các cơ quan quân đội, công an nhân dân (không phải là hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng). Ngoài ra, Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Công ty nhà nước cũng phải kê khai tài sản, thu nhập.

 

Theo các thông tư nói trên của Thanh tra Chính phủ, diện tài sản của những người phải kê khai cũng rộng hơn như thu nhập từ cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ có thể chuyển nhượng như xe máy, ô tô. Việc kê khai sẽ phải tiến hành từng năm, kết thúc vào ngày 30/11 hàng năm. Cán bộ chậm kê khai tài sản sẽ bị kỷ luật: khiển trách nếu kê khai chậm trên 15 ngày; cảnh cáo nếu kê khai chậm hoặc người có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo thực hiện chậm trên 30 đến 45 ngày; ngoài ra có thể áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn mức này đối với người chậm kê khai, chậm tổ chức việc kê khai, chậm báo cáo kết quả kê khai trên 45 ngày. Hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo pháp luật hiện hành để xử lý. Khi có yêu cầu về bổ nhiệm cán bộ, xác minh làm rõ theo đơn thư tố cáo, hoặc những việc mà cơ quan quản lý yêu cầu, sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh. Kết quả thẩm tra, xác minh nếu không đúng, người kê khai sẽ bị xử lý về tội không trung thực.

 Như vậy, với các quy định chặt chẽ được ban hành về minh bạch tài sản, điển hình như Nghị định số 37/2007/NĐ-CP, Thông tư số số 2442/2007/TT-TTCP, Thông tư số 1/2010/TT-TTCP, thì bản kê khai minh bạch tài sản của cán bộ, công chức là một trong những cơ sở để xác minh, phòng chống tham nhũng có hiệu quả.

 

 Tuy nhiên, tài liệu về kê khai tài sản, thu nhập, theo quy định, sẽ vẫn chỉ được sử dụng mang tính nội bộ. Do vậy, người dân vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thực thi quyền giám sát, nếu không muốn nói là không thể. Theo Điều 12 Nghị định 37/CP, ai muốn khai thác, sử dụng bản kê tài sản, thu nhập của công chức sẽ “phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu, trong đó ghi rõ họ tên, chức vụ, mục đích sử dụng”. Điều 14 của Nghị định này quy định thêm rất rõ: “người nào làm sai lệch, mất mát, hư hỏng hoặc làm lộ bí mật nội dung bản kê khai tài sản, thu nhập, cung cấp cho người không có thẩm quyền khai thác… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, người dân sẽ khó lòng biết được người mình định tố cáo tham nhũng, kê khai gian dối đã kê khai tài sản ra sao. Trong khi đó, thông tư của Thanh tra Chính phủ lại quy định: nếu muốn cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh lại tài sản của công chức, người tố cáo phải có “bằng chứng cụ thể, có căn cứ xác minh về sự không trung thực trong kê khai của người có nghĩa vụ kê khai”. Thông tư cũng nêu rõ: “Đối với tố cáo, phản ánh giấu tên, mạo tên thì không xem xét để ra yêu cầu xác minh”. Về yêu cầu xác minh công chức có gian dối trong kê khai, theo quy định, người tố cáo phải có bằng chứng về việc kê khai không trung thực. Tuy nhiên, người dân lại không được quyền tiếp cận tài liệu nên việc có bằng chứng nhằm chứng minh hành vi gian dối rất khó khăn.

 

          2. Một số kiến nghị

   Để việc công khai, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập trong thời gian tới mang lại hiệu quả cao hơn, chúng tôi có mấy kiến nghị sau:

 

Một là, do bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức chưa được công khai nên người dân chưa thực hiện được quyền kiểm tra, giám sát, do vậy, Chính phủ cần ban hành một Nghị định về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của cán bộ công chức. Theo đó, cán bộ công chức có nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của mình và từng bước công khai tài sản. Hiện nay, trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đã có quy định từng bước công khai thu nhập, tài sản của cán bộ công chức. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiến hành tổng kết, đánh giá việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua để xây dựng đề án kiểm soát thu nhập. Trong thời gian tới, khi thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng cần từng bước công khai bản thu nhập này, các cơ quan liên quan cần xem xét đối tượng nào sẽ công khai trước và vào thời điểm nào. Do việc này chúng ta chưa từng làm bao giờ nên cũng cần phải có lộ trình khoa học và chặt chẽ.

 

Hai là, cần xử lý tài sản kê khai không trung thực. Tới đây, cùng với việc cán bộ công chức phải có nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của mình và từng bước công khai tài sản. Đồng thời, cần có quy định xử lý đối với tài sản không giải trình được. Việt Nam đã ký công ước của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng, trong công ước quy định “tài sản không giải trình được, bất minh là phải tịch thu”. Trong khi đó, hiện nay luật pháp nước ta mới chỉ quy định nếu kê khai không trung thực thì xử lý từ khiển trách, cảnh cáo đến hạ bậc lương, chưa có quy định xử lý thế nào đối với số tài sản kê khai không trung thực, cũng chưa có quy định nào về kiểm tra nguồn gốc tài sản. Theo chúng tôi, sắp tới cần có quy định xử lý tài sản kê khai không trung thực theo hướng công ước quốc tế đã quy định nói trên.

 

Ba là, cần có biện pháp để xác minh việc tự kê khai tài sản của cán bộ, công chức trung thực đến đâu. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 37 về minh bạch tài sản thu nhập, phải có hai điều kiện để xác minh. Thứ nhất, có đơn tố cáo rõ ràng, có chứng cứ và không được nặc danh liên quan đến việc kê khai tài sản không trung thực. Thứ hai, có kết luận của cơ quan chức năng như thanh tra, điều tra, kiểm toán kết luận về người có nghĩa vụ kê khai liên quan đến hành vi tham nhũng. Trong khi đó, hồ sơ kê khai của nhiều cán bộ công chức một số chỉ kê khai nhà ở, còn tài sản khác có hay không thì không thể biết được. Do vậy, vẫn có thể đặt dấu hỏi liệu những cán bộ này không có tài sản từ 50 triệu đồng trở lên có đúng không? Thực tế cũng tùy thuộc từng người, có người kê khai 1-2 căn nhà, ôtô, nhưng có người có mà không kê khai. Từ trước đến nay, chỉ những trường hợp cán bộ có vấn đề phải tiến hành xác minh mới biết và xử lý được chuyện kê khai không trung thực. Như vậy, cần nghiên cứu để có thêm biện pháp xác minh việc tự kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức ngoài hai điều kiện đã quy định tại Nghị định 37 nói trên để tăng cường hơn nữa tính trung thực trong việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức.

 
      Bốn là, thời gian qua có một số ý kiến lo ngại về việc khó kiểm soát tài khoản của cán bộ, công chức tại ngân hàng nước ngoài, bởi việc quản lý tài sản ở nước ngoài còn liên quan đến luật pháp nước sở tại, nhất là pháp luật về ngân hàng. Trong khi đó, kê khai và báo cáo tài sản tại nước ngoài, nếu có, là một trong chín nội dung bắt buộc, bất kể số dư tài khoản là bao nhiêu. Đây là yếu tố cần được kiểm soát. Ta chưa nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này nhưng các nước làm được thì chúng ta cũng sẽ kiểm soát được. Ta cần phải hợp tác với các nước về lĩnh vực này và thực tế là các nước cũng muốn có sự hợp tác. Việc kiểm soát dựa trên quan hệ hợp tác với các nước, theo nguyên tắc có đi có lại, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thực hiện những nguyên tắc như thế ta sẽ kiểm soát được tài khoản của cán bộ, công chức tại nước ngoài./.
 
      (Lê Hân, nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp)
Các tin mới hơn
Hội nghị tập huấn công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(16/03/2023)
Hội nghị tập huấn báo cáo viên chuyên đề về công tác Nội chính và Phòng, chống tham nhũng(28/08/2013)
Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng khu vực phía Bắc(27/08/2013)
Lễ công bố thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy (27/08/2013)
Những điểm mới cơ bản trong Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi(29/05/2013)
Các tin cũ hơn
Công tác phòng chống tham nhũng tại Trung Quốc (27/06/2011)
Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay(27/06/2011)
Tìm hiểu Pháp luật và pháp luật hình sự về phòng, chống tham nhũng.(24/06/2011)
Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức(23/06/2011)
Suy nghĩ về việc tặng "Huy Chương Dũng Cảm " cho người tố cáo phát hiện tham nhũng.(22/06/2011)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín