na
Bản tin lưu trữ
Phòng, chống tham nhũng từ gốc: Đổi mới thể chế
18/09/2012 01:47:34

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi lần 1) đã được công bố ngày 6/7/2012 (dưới đây, xin gọi tắt là Dự thảo), để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa về thực hiện quyền làm chủ của dân trong việc đóng góp ý kiến vào những vấn đề trọng đại của đất nước.

Dự thảo đã đưa ra nhiều nội dung cần sửa đổi, như: trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; việc công bố công khai tài sản, thu nhập; biện pháp xử lý tài sản, thu nhập do tham nhũng; tổ chức chỉ đạo, v.v... Đó là rất cần thiết nhưng không đủ.

Trong bài này, xin đề cập vấn đề: để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần bắt đầu từ gốc, cũng tức là phải chặn ngay từ đầu những hành vi có thể tham nhũng, để người có muốn tham nhũng cũng không có chỗ để tham nhũng; tức là phải tiếp tục đổi mới thể chế.

Ai có quyền tham nhũng?

Theo Dự thảo, "tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Nói cách khác, đó là những công chức trong bộ máy nhà nước ở các cấp và ở trong quân đội, công an.

Cũng theo Dự thảo, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng hiện nay là: a) quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; b) quy hoạch và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình dùng vốn nhà nước; c) quản lý ngân sách nhà nước (cả thu, chi), mua sắm công; d) quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước; đ) những hoạt động trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng (cho vay, bảo lãnh... ); e) trong công tác cán bộ thuộc khu vực nhà nước. Có thể nói đó đều là những lĩnh vực thuộc hoạt động kinh tế của bộ máy nhà nước - những quyền hạn của bộ máy nhà nước trong việc sử dụng vốn và tài sản công (kể cả đất đai được coi là thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý việc sử dụng); còn công tác cán bộ sở dĩ cũng là một lĩnh vực có thể tham nhũng, vì có những vị trí béo bở, có thể kiếm chác được thường phải mua (tệ "mua quan, bán chức" đã được chính thức nhắc đến trong văn bản; và trong nhân dân, cũng đã lan truyền giá của những chức vụ ấy).

Có thể thấy: những biện pháp phòng, chống tham nhũng, nếu không bắt đầu từ việc hạn chế các quyền hạn nói trên, thì rất khó khăn - cũng có thể nói là không thể thực hiện được. Thực tế là việc phòng, chống tham nhũng đã được nêu lên từ nhiều năm nay: từ tháng 12-2005, Quốc hội (Khóa XI) đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng; đến tháng 8-2007, chỉ sau không đến hai năm, Quốc hội (Khóa XII) đã ban hành tiếp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; tuy nhiên, việc thi hành các luật này vẫn chưa đạt kết quả mong muốn.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) đã nhận định: "Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn rất nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn đẩy lùi, gây bức xúc xã hội" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 172). Phải chăng, do chưa trị bệnh từ gốc, vẫn còn có chỗ cho tham nhũng, quyền hạn của người có chức, có quyền trong những lĩnh vực có thể kiếm chác được vẫn còn, có khi thành đường dây, những "nhóm lợi ích" rất khó phát hiện, và nếu có phát hiện, việc xử lý lại thiếu nghiêm minh, cho nên tham nhũng vẫn phát triển, ngày càng phức tạp, tinh vi.

Vấn đề cốt lõi là ngăn chặn ngay từ gốc những quyền hạn của người có chức vụ; bởi vì, theo lẽ thường, quyền hạn (quyền lực) càng nhiều thì khả năng tham nhũng càng lớn, mà người có quyền hạn (hoặc cơ quan có quyền hạn) thường muốn bành trướng quyền hạn; nếu quyền hạn không bị hạn chế hoặc ngăn chặn, thì tham vọng mở rộng quyền hạn càng phát triển, lợi ích thu được càng nhiều. Chính vì vậy, trong nhà nước pháp quyền, vấn đề kiểm soát và hạn chế quyền lực luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Tiếp tục đổi mới thể chế

Có thể thấy: thể chế hiện hành đã tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước và công chức tham nhũng trong những lĩnh vực khá rộng liên quan đến vốn nhà nước và tài sản của toàn dân mà Nhà nước là người chịu trách nhiệm quản lý. Chính vì vậy, để phòng chống tham nhũng một cách cơ bản, phải tiếp tục đổi mới thể chế, nhất quán thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần trở lại một vấn đề cốt lõi: đó là vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Nhà nước cần làm gì và không cần, thậm chí không nên làm gì. Đó là vấn đề rất lớn, quan trọng, đã được nhắc đến nhiều lần, ở nhiều diễn đàn, song chưa được nhận thức nhất quán và nhất là chưa được thực thi trong cuộc sống.

Để phòng, chống tham nhũng, cần thu hẹp những hoạt động kinh tế của Nhà nước, vì những hoạt động đầu tư công, phê duyệt dự án đầu tư, quy hoạch sử dụng đất đai, cho vay vốn, duy trì doanh nghiệp nhà nước, v.v... là những hoạt động mà cán bộ, công chức dễ dàng tham nhũng. Lĩnh vực đất đai đang là lĩnh vực nóng bỏng nhất, khiếu kiện nhiều nhất, dễ gây mất ổn định xã hội nhiều nhất; do đó, phải khắc phục tình trạng mỗi cấp chính quyền đều có quyền tùy tiện thu hồi đất, cấp đất (cấp đất cho bà con, họ hàng, biếu cấp trên, để "ngoại giao", thậm chí cấp cho em bé chưa đến tuổi trưởng thành). Hãy thu hẹp, hạn chế việc cơ quan nhà nước (kể cả quân đội, công an) tham gia các hoạt động kinh tế, trực tiếp kinh doanh; hãy thu hẹp những doanh nghiệp còn mang danh nghĩa "doanh nghiệp nhà nước" mà kinh doanh kém hiệu quả. Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức làm hoặc không muốn làm (vì vốn lớn, thu hồi vốn chậm), và cũng chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực kết cấu hạ tầng hoặc dịch vụ công - ngay trong các lĩnh vực này, cũng cần dần dần cổ phần hóa, hoặc chuyển giao dần sang cho khu vực tư thực hiện.

Nhà nước cần trở lại đúng vị trí của mình, chuyển sang "Nhà nước kiến tạo phát triển", tức là tập trung vào quy hoạch kế hoạch, các chính sách, hệ thống pháp luật nhằm định hướng phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm công bằng xã hội... Những hoạt động đầu tư công, chi tiêu ngân sách nhà nước hoặc dịch vụ sử dụng vốn nhà nước (kể cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội) phải được công bố công khai, tổ chức đấu thầu và phải chịu sự giám sát chặt chẽ của người dân, của các tổ chức xã hội, đồng thời cần chuyển giao một số dịch vụ công cho các tổ chức xã hội thực hiện. Xóa bỏ cơ chế "xin - cho", các hoạt động kinh doanh của Nhà nước phải được thu hẹp, hoạt động của bộ máy nhà nước phải công khai, minh bạch, được sự giám sát của dân và các tổ chức xã hội. Nếu bộ máy nhà nước và công chức còn có quyền tham nhũng trong nhiều lĩnh vực khá rộng rãi như hiện nay, thì dù hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng có chặt chẽ đến đâu, vẫn không thể ngăn chặn được tham nhũng.

Một vấn đề khác cũng cần được xem xét, đó là việc cấp chính quyền tỉnh/thành phố, huyện, quận có quyền đầu tư xây dựng công trình hoặc lập doanh nghiệp kinh doanh. Đây không chỉ là một kẽ hở mở đường cho tham nhũng, mà nguy hại hơn, là đã dẫn đến tình trạng phân tán, chồng chéo trong đầu tư, gây lãng phí vốn, hiệu quả kém, phá vỡ cơ cấu kinh tế chung của cả nước (nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến thực trạng cả nước hiện có đến 63 nền kinh tế!). Phải chăng chính quyền các cấp địa phương chỉ nên tập trung vào các nhiệm vụ văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, còn việc xây dựng các cơ sở kinh tế nên giao cho khu vực dân doanh thực hiện theo quy hoạch chung của cả nước? Đây là một vấn đề lớn, mong được nghiên cứu sâu hơn; trước mắt, việc phân cấp cần được gắn chặt với việc tuân thủ các quy hoạch và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ vì đây cũng là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

                                theoVũ Quốc Tuấn (doanhnhancuoituan.com.vn)

 

Các tin mới hơn
Hội nghị tập huấn công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(16/03/2023)
Hội nghị tập huấn báo cáo viên chuyên đề về công tác Nội chính và Phòng, chống tham nhũng(28/08/2013)
Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng khu vực phía Bắc(27/08/2013)
Lễ công bố thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy (27/08/2013)
Những điểm mới cơ bản trong Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi(29/05/2013)
Các tin cũ hơn
Cán bộ được tặng quà phải nộp lại cơ quan (21/08/2012)
Bao giờ dân hết biếu quan?(10/08/2012)
Tham nhũng là hòn đá tảng chặn đường(10/08/2012)
Qui định cụ thể trong thanh tra trách nhiệm về Phòng, chống tham nhũng(30/07/2012)
Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí(12/03/2012)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín