na
Hồ sơ tham nhũng
Công ty con của PVC bết bát, lãnh đạo vẫn lên chức
15/06/2017 02:27:52

Thực trạng của Công ty CP Xây lắp Dầu khí Hà Nội (PVC – HN) vô cùng bết bát. Ngay trụ sở cũng phải chuyển nay đây mai đó. Một phần nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ công ty mẹ - Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Tuy nhiên, điều khó hiểu là lãnh đạo của PVC – HN trong thời kỳ đơn vị này bắt đầu có nhiều dấu hiệu thua lỗ vẫn được thăng chức (?).

Khoản lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) khiến khá nhiều công ty con của PVC cũng phải gánh chịu và buộc phải tái cấu trúc. PVC-HN là 1 đơn vị thua lỗ nằm trong danh sách phải thoái vốn, nhưng đến nay vẫn chưa công bố số lỗ thực tế cho các cổ đông.

Toàn bộ tài sản thế chấp ở ngân hàng

Được biết, trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng, khá nhiều công ty con của PVC cũng đã vào tầm ngắm khi có liên đới với những khoản thua lỗ không hề nhỏ trong giai đoạn này.Trong vụ án cố ý làm trái và tham ô tại Tổng Công ty PVC, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng - nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC, tiến hành truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC do liên quan tới khoản thua lỗ 3.300 tỷ đồng của đơn vị này trong giai đoạn từ năm 2011 – 2013.

Theo tìm hiểu của NTNN, một báo cáo của Ban kiểm soát PVC-HN năm 2014 đánh giá toàn bộ hoạt động tài chính của PVC–HN trong giai đoạn từ 2009 – 2012 cho thấy, toàn bộ tài sản của PVC-HN đã được thế chấp ở ngân hàng từ năm 2012. Trong đó, PVC-HN đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án Nam An Khánh để trả nợ PVcombank (trước đây là PVFC), BIDV và để nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH).

Ngoài ra, nhiều chủ nợ đã khởi kiện PVC-HN tại tòa án vì đơn vị này không thanh toán theo cam kết. Cụ thể như Công ty TNHH Phát triển Công nghệ đòi hơn 2,1 tỷ đồng và đòi phạt hơn 541 triệu đồng, yêu cầu PVC-HN phải chịu tiền án phí hơn 85 triệu đồng; Hợp tác xã sản xuất vật liệu chịu lửa Phú Thắng đòi nợ gốc và lãi hơn 384 triệu đồng và buộc PVC-HN phải chịu tiền án phí hơn 19,2 triệu đồng…

Gán nợ đủ thứ

Do mất khả năng thanh toán về tài chính, Giám đốc PVC-HN đã phải gán trừ công nợ với các chủ nợ bằng tài sản của công ty như gán nợ công cụ, dụng cụ hơn 10 tỷ đồng, thép tồn kho hơn 3,3 tỷ đồng, vật tư phế liệu 55 triệu đồng… Ngoài ra, chênh lệch thu nhiều hơn chi đối với các công trình an sinh xã hội mà PVC-HN thực hiện là hơn 12,1 tỷ đồng nhưng công ty không còn tiền để thanh toán cho các nhà thầu phụ theo cam kết.

Gần đây, ngày 11.4.2017, cơ quan BHXH TP.Hà Nội đã gửi Công văn số 664/BHXH-KTTN về việc thu nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN tới PVC-HN. Nội dung nêu rõ: “Sau ngày 30.4.2017, đơn vị còn nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHXH TP.Hà Nội sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi tiền nợ (tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra hoặc đề xuất thanh tra liên ngành tại đơn vị, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an hoặc tòa án)”.Theo báo cáo của Giám đốc Công ty, PVC-HN còn nợ lương người lao động hơn 8,8 tỷ đồng tính đến 29.11.2013, nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 5,4 tỷ đồng tính đến 31.10.2013; nợ phải trả đến hạn và quá hạn của PVC-HN đến 30.9.2013 là 350,5 tỷ đồng.

Ngày 30.3.2013, Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã tiến hành thu hồi thiết bị thuê mua với giá trị gốc thuê mua hơn 24,4 tỷ đồng với lý do PVC-HN đã vi phạm hợp đồng không trả được nợ theo cam kết. Sau đó ngày 21.8.2013, PVC-HN còn bị đòi thêm hơn 4 tỷ đồng và ngân hàng cũng đã từ chối bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Từ các con số này, Ban kiểm soát của công ty khẳng định PVC-HN đang ở trong tình trạng không an toàn về tài chính dẫn tới việc công ty mẹ PVC đã quyết định phải giám sát đặc biệt đối với PVC-HN.

Không thẩm định được báo cáo tài chính

Theo đánh giá của Ban kiểm soát, không thể thẩm định được báo cáo tài chính của PVC-HN bởi nhiều lý do như: PVC-HN chưa bàn giao dứt điểm hợp đồng xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ về PVC, bởi nếu bàn giao xong thì các chỉ tiêu doanh thu chi phí, các khoản phải thu, phải trả sẽ thay đổi đáng kể.

Khi nhận tài sản góp vốn từ PVC bằng giá trị doanh nghiệp của Chi nhánh Xây lắp Dầu khí Hà Nội tính đến thời điểm báo cáo, theo Giám đốc PVC-HN thì công ty không thu hồi được số tiền hơn 120 tỷ đồng góp vốn (theo Công văn số 120/BC-XLDKHN-TCKT ngày 11.4.2013).

Các cổ đông khi nộp tiền góp vốn không hề được biết về khoản thua lỗ 120 tỷ đồng của Chi nhánh PVC-HN. Đây là dấu hiệu sai phạm rất nghiêm trọng về góp vốn để thành lập Công ty cổ phần Xây lắp Đầu khí Hà Nội. Ban kiểm soát nhận định đây là một sai phạm lớn, nhưng lại không được giám đốc trình bày trong báo cáo tài chính năm 2010, 2011(?).

Ngoài ra, Ban kiểm soát cũng đánh giá hàng năm, giám đốc PVC-HN không tiến hành xử lý kiểm kê, quản lý chi phí chưa đảm bảo tính minh bạch; kế toán trưởng chưa tổ chức phân tích chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm để phân bổ các khoản thu, chi một cách thận trọng, để không làm sai lệch kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán theo Luật Kế toán, dẫn tới cung cấp số liệu kế toán sai sự thật.

“Bản chất của sự việc tại các báo cáo nội bộ là tương đối rõ ràng, chủ tịch PVC-HN chưa đưa ra được hướng giải quyết cụ thể, chưa tìm hiểu bản chất số tiền công ty đã chi ra là chi phí của doanh nghiệp hay tư lợi cá nhân. Giám đốc chưa có phương án xử lý trình HĐQT theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT PVC và chủ tịch HĐQT PVC-HN”, văn bản của Ban kiểm soát chỉ rõ. Việc PVC thua lỗ tới 3.300 tỷ tại PVC, khiến cả một “dàn” lãnh đạo bị bắt gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, bước đầu được khẳng định là do thua lỗ từ các đơn vị thành viên, trong đó có PVC-HN.

Theo kế hoạch nêu tại nghị quyết vừa được Hội đồng quản trị PVC ban hành, giai đoạn 2017-2020, PVC sẽ tái cơ cấu các khoản vốn góp tại 23 đơn vị thành viên, riêng năm 2017, sẽ hoàn thành tái cơ cấu, thoái vốn/giải thể/phá sản tối thiểu 10 đơn vị. Trong danh sách tái cơ cấu mà PVC công bố với 23 đơn vị có tên của PVC-HN.

Tìm hiểu của PV cũng cho thấy, do trước đó PVC-HN đã phải gán tài sản là trụ sở và quyền sử dụng đất tại số 59 – 63 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) nên hiện PVC-HN phải đi thuê văn phòng. Theo chủ toà nhà Sannam (Cầu Giấy, Hà Nội), Công ty PVC-HN trước đó thuê tại tầng 5-6 của tòa nhà này nhưng đã chuyển đi cách đây 8 tháng. Tại địa điểm mới của PVC - HN ở số 1, ngõ 86, Chùa Hà, phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), ghi nhận của phóng viên khi tìm đến đây vào chiều muộn 12.6 cho thấy: Ngoài cổng không hề có bảng biển của công ty. Trong sân bầy bừa nhiều các loại vật liệu như phế thải. Bảo vệ cho biết, lãnh đạo đi vắng hết, chỉ một phòng có khoảng 5 nhân viên ngồi ăn quà vặt. Tất cả báo hiệu PVC – HN hầu như chỉ còn là “một cái xác không hồn”.

                                        Theo Nhóm PV (Dân Việt)

Các tin mới hơn
Hà Văn Thắm đối mặt với án tử hình vì hành vi tham ô tài sản(11/07/2017)
Các tin cũ hơn
Chúc mừng năm mới 2017(24/01/2017)
Đại án Phạm Công Danh qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội(15/11/2016)
Bộ Công an kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank(12/10/2016)
Vụ tham nhũng tại Vifon: Hủy một phần bản án(06/06/2014)
Nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines lĩnh án 3 năm tù (03/03/2014)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín