na
Quốc tế
Bước đi mới trong chống tham nhũng tại Nga
09/12/2013 03:44:32

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thành lập Ủy ban chống tham nhũng trực thuộc Văn phòng tổng thống. Đây là một bước đi mới trong hoạt động chống tham nhũng tại Nga.

Theo các phương tiện truyền thông Nga, Ủy ban vừa được thành lập có các nhiệm vụ chính là kiểm soát việc thi hành luật; tham gia soạn thảo các dự luật; đề ra các sáng kiến về chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước; đảm bảo hoạt động của Hội đồng trực thuộc tổng thống về chống tham nhũng; hỗ trợ tổng thống trong việc bảo đảm hoạt động phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan chính quyền nhà nước.

Việc kiên quyết chống tham nhũng đã được Tổng thống Putin tiến hành mạnh mẽ trong năm 2012 sau khi ông trở lại điện Kremlin. Đầu tiên là sắc lệnh yêu cầu các quan chức phải công bố những khoản chi tiêu và đầu tư của mình, đồng thời họ cũng phải hủy bỏ các tài khoản cá nhân ở nước ngoài hoặc bán cổ phần ở nước ngoài (nếu có). Sau đó là việc tăng cường giám sát tại các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc chính phủ, phát hiện hàng loạt sai phạm từ những quan chức cấp cao.

Trước đó, ngày 30/10, sau phiên họp thường kỳ của Hội đồng Chống tham nhũng Điện Kremlin, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, ông Sergei Ivanov cho biết, hơn 200 công chức Nga đã bị sa thải do khai man thu nhập, trong đó có 8 cán bộ cấp cao.

Theo Trưởng công tố Nga Yuri Chaika, chỉ tính riêng những thiệt hại do các vụ án tham nhũng gây ra trong năm 2012, ngân sách nhà nước thất thoát khoảng 690 triệu USD. Cũng trong năm 2012, các nhà chức trách Nga đã truy tố 889 cán bộ công chức, trong đó có các Thị trưởng thành phố, 114 nhà lập pháp các cấp và 1.159 quan chức thực thi pháp luật về các cáo buộc tham nhũng.

Chủ tịch Ủy ban An ninh của Đuma quốc gia Nga Irina Yarovaya cho biết, Đuma quốc gia đã nhất trí với quan điểm của Tổng thống Putin - không thể khoan nhượng đối với tội phạm tham nhũng, cần phải trừng phạt thích đáng những đối tượng này. Ủy ban An ninh của Đuma quốc gia đã trình Hạ viện một dự luật tương ứng về hoàn thiện các biện pháp phòng chống tham nhũng.

Theo dự luật trên, tội biển thủ công quỹ với số tiền lớn (từ 6 triệu ruble trở lên) do một nhóm tội phạm thực hiện hay khi thực hiện hợp đồng nhà nước về đơn đặt hàng quốc phòng sẽ phải chịu án phạt từ 7 đến 15 năm tù cộng với mức tiền phạt từ 3 đến 5 triệu ruble. Bị cáo cũng sẽ bị truất quyền nắm giữ các chức vụ nhất định cho đến 12 năm. Theo dự luật, khái niệm “hành vi tham nhũng gây tội ác” được xác định là một hành vi tội phạm nguy hiểm về mặt xã hội gắn liền với việc một thể nhân sử dụng trái phép cương vị của mình nhằm trục lợi cho bản thân hay cho những người thứ ba, hoặc cho những thể nhân khác thụ hưởng mối lợi này một cách phi pháp.

Ngoài ra, dự luật nói trên cũng siết chặt kiểm soát chi tiêu của các quan chức bị tình nghi hay bị buộc tội tham nhũng. Đồng thời các nguồn thu, chi của những quan chức này cũng bị kiểm soát trong trường hợp bị truy tố hình sự. Chủ tịch Ủy ban an ninh Đuma quốc gia Nga nhấn mạnh, hình phạt cần phải phù hợp và thích đáng đối với mức độ nghiêm trọng của những tội phạm này.

Ngày 3/12, Cựu Bộ trưởng quốc phòng, Anatoly Serdyukov, sau hơn 1 năm bị bãi nhiệm (6/11/2012) đã bị các nhân viên điều tra công bố các cáo buộc hình sự xung quanh một vụ bê bối tham nhũng lớn. Đây được coi là quyết tâm chống tham nhũng của Tổng thống Vladimir Putin bởi chính ông là người ký quyết định bổ nhiệm và bãi nhiệm đối với ông Anatoly Serdyukov.

Một số vụ việc khác đã được đưa ra ánh sáng là vụ cựu Thống đốc khu vực Tula Vyacheslav Dudka bị phạt 9 năm tù vì nhận hối lộ tới 1,2 triệu USD. Hay vụ bắt giữ thị trưởng Mikhail Stolyarov của thành phố Astrakhan vì nhận hối lộ 300.000 USD.

Việc tăng cường chống tham nhũng tại Nga được cho là xuất phát từ việc Chính phủ Nga lo ngại tham nhũng khiến hình ảnh quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng và làm xói mòn môi trường đầu tư tại Nga. Tại những diễn đàn kinh tế tổ chức ở Nga gần đây, nhiều nhà đầu tư đã nêu rõ do chi phí “bôi trơn” các hợp đồng cao nên ít nhiều làm nản lòng những ai muốn tăng cường đầu tư ở quốc gia này.

Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng ở Nga có biến chuyển theo chiều hướng tích cực nhưng người dân vẫn có thói quen đưa và nhận hối lộ. Hành động này được xem là tiếp tay cho nạn tham nhũng. Khảo sát do Trung tâm Levada thực hiện đưa ra số liệu cho thấy 15% người dân Nga thừa nhận phải hối lộ các quan chức, 30% số người được hỏi tin rằng đối với dân thường thì không có cách nào khác để giải quyết vấn đề ngoài việc đưa hối lộ. Ở khía cạnh khác, 67% số người vi phạm giao thông cho biết họ đã nộp phạt cho cảnh sát giao thông mà không lấy biên lai.

Tất nhiên, xóa bỏ nạn tham nhũng là quá trình lâu dài. Trước tiên là ý thức của các quan chức, nhưng sau đó còn là ý thức của người dân vì cần nói không với nạn đưa hối lộ thì tình trạng tham nhũng mới được loại bỏ khỏi xã hội.

              (theo Nguyễn Chiến – Chinhphu.vn)

Các tin mới hơn
Bắt giữ cựu Thủ tướng Malaysia vì cáo buộc tham nhũng(10/03/2023)
Tố cáo tham nhũng - Hành động quyết định cho một thế giới công bằng(08/07/2021)
Malaysia công bố kế hoạch chống tham nhũng 5 năm(11/02/2019)
Kinh nghiệm phòng ,chống tham nhũng của Hà Lan và Đức(31/10/2018)
31 quốc gia tham nhũng nhất thế giới(18/10/2018)
Các tin cũ hơn
Kinh nghiệm chống tham nhũng của Hong Kong(04/12/2013)
Chống tham nhũng, Trung Quốc giám sát ủy viên Bộ Chính trị(25/11/2013)
Trung Quốc: Đụng đâu tìm ra tham nhũng đó(25/11/2013)
Bộ trưởng Ba Lan mất chức vì đồng hồ đắt tiền(25/11/2013)
Tổng thống Philippines: 'Tôi không ăn cắp'(14/11/2013)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín