na
Chuyên đề PCTN
Cần quyết liệt, triệt để, nghiêm minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
30/10/2012 03:45:52

Phiên họp ngày 26/10 của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII có dành thời lượng cho phần trình bày Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về nội dung này vào buổi sáng đã thực sự khuấy động Hội trường. Và đến phiên thảo luận tổ của buổi chiều, không khí thảo luận càng sôi nổi và “nóng” hơn với nhiều đề xuất, kiến nghị.

          Sáng 26/10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trước Quốc hội. So với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng trước, ngoài việc ít hơn 2 điều (108 so với 110), dự luật đã có nhiều chỉnh sửa.

          Cũng trong khuôn khổ phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

          Theo dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), mô hình của Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng với 3 phương án sau khi xin ý kiến Thường vụ Quốc hội được Chính phủ thống nhất không đề cập đến trong luật. Quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã được bỏ.

          Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã nhất trí với việc sửa đổi trên và cho rằng việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng.

          Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập, Chính phủ nêu 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành và bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên; ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo khoản 3 Điều 1 của Luật hiện hành. Dự thảo Luật thể hiện theo ý kiến thứ nhất.
  
          Theo Ủy ban Tư pháp, quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành quan điểm kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, qua Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng cũng như qua kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.

 

          Do đó, cả hai phương án được cơ quan thẩm tra đánh giá chưa khắc phục hết các khó khăn, bất cập song đã mở rộng được phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung một số quy định cụ thể về xác minh tài sản.

          Đối với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng, dù được quy định với 5 khoản trong một điều (điều 68) song, qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thực hiện còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm. Ví dụ như khái niệm về người đứng đầu, khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu được xác định là Trưởng phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng hay Bộ trưởng...

          Đánh giá về một số quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng còn chung chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau. Phân tích về hiện tượng này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, trên thực tế việc thực hiện các quy định trên như là một nghịch lý. Thủ trưởng càng tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng trong nội bộ thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng. Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi.

          Ngoài ra, dù bổ sung quy định quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng song quy định chung như trong dự luật chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn tới sự chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ giữa Thanh tra Chính phủ với Bộ Công an và Viện KSND tối cao. Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

          Để khắc phục được các nhược điểm trong quá trình thực thi luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị, các nội dung của dự án Luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật cũng như trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, kiên quyết khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu trong các quy định; bảo đảm các quy định phải toàn diện, cụ thể.

          Về phạm vi sửa đổi, nhiều ý kiến đồng ý với Tờ trình của Chính phủ là cần sửa đổi toàn diện, nhưng cũng có ý nhiều kiến đề nghị chỉ tập trung sửa đổi một số điều thật sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và thể chế hóa kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

          Ngay sau phiên họp sáng, trong phiên thảo luận tổ buổi chiều, các đại biểu cũng có ý kiến về nội dung công tác phòng, chống tham nhũng 2012. Theo đó, cơ bản nhất trí với những đánh giá của Chính phủ và kiến nghị sẽ tiếp tục xem xét theo hướng cụ thể, chi tiết hơn trong các phiên thảo luận tiếp theo để có những đóng góp thiết thực và cụ thể hơn đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay và trong thời gian tiếp theo.

          Nhiều đại biểu cho rằng, các vụ án tham nhũng hiện đang ở tình trạng chung là chậm được xử lý và càng chậm xử lý sẽ càng có lợi cho đối tượng phạm tội, còn khi xét xử thì theo hướng giảm nhẹ tội danh. Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) kiến nghị, cần tăng vai trò Kiểm toán của nhà nước và làm tốt việc kê khai tài sản cũng sẽ góp phần hạn chế tham nhũng. Theo đó, việc kê khai tài sản không chỉ dừng lại ở cán bộ.

          Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên -Huế) cho rằng, phải coi tham nhũng là tội phạm nguy hiểm nên trong quá trình xét xử không thể cho hưởng án treo và đặc biệt là không áp dụng đặc xá, tha tù trước thời hạn cho đối tượng này giống như với các tội danh liên quan đến ma tuý và các tội danh đặc biệt nguy hiểm khác.

          Một số đại biểu cho cho rằng, việc đưa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là hợp lý. Nhưng nếu nội dung này không được thể hiện trong Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Ban chỉ đạo không phải cơ quan nhà nước, sẽ khiến người dân tâm tư.

          Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) chỉ ra hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa cao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được rất ít. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Đây là những vấn đề thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.

          Trước thực trạng này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị, trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng cần thành lập cơ quan chuyên trách công an theo dõi lĩnh vực này.

          Về công tác phòng, chống tham nhũng nhiều đại biểu cho rằng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng trong năm qua Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần tạo cơ sở pháp lý ngày càng toàn diện, đầy đủ, phù hợp và chặt chẽ hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng.

          Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực còn chậm ban hành, một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chồng chéo đã tạo những kẽ hở cho tham nhũng phát sinh. Điển hình như các quy định liên quan đến việc quản lý tổ chức, hoạt động, kiểm soát đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; quy định về công khai trong đấu thầu, mua sắm tài sản công; khai thác và quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên; đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; danh mục tài liệu thuộc bí mật nhà nước; đề án cải cách chế độ tiền lương. Một số quy định đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc nhưng chưa được sửa đổi như chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; kê khai, minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, cán bộ, công chức, viên chức; trả lương, thu nhập khác qua tài khoản....

          Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền thì thẳng thắn chỉ ra tồn tại, yếu kém đã tác động không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xói mòn niềm tin của nhân dân. Đó là, trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn hiện tượng chống theo diện rộng, chưa hiệu quả, như việc làm mãi không xong việc công khai minh bạch tài sản của cá nhân, nhất là những người có chức vụ quyền hạn. Do đó, yếu tố quan trọng là khi hoạch định chính sách cần hạn chế tối đa kẽ hở để tham nhũng có thể len lỏi, lợi dụng.

          Theo đại biểu Quyền, mặc dù Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị cơ quan thanh tra khi thanh tra phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra, nhưng nhiều nơi rềnh rang, cố giữ hàng năm sau mới chuyển cho cơ quan điều tra khiến các cơ quan này gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra, trong khi tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, đòi hỏi các chứng cứ phải rõ ràng. Bên cạnh đó, quá trình điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng lại xảy ra việc chuyển tội danh từ tham nhũng sang các tội danh khác như cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm và xử dưới khung hình phạt rất nhiều.

          Nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ sự lo ngại tình trạng tham nhũng tiêu cực xảy ra ở một số dự án đầu tư công, tại một số Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước vấn tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận; đặc biệt nhấn mạnh tới tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương gia tăng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ cao.

          Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm. Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít...

          Theo các đại biểu, những hạn chế trên xuất phát từ công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế. Trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương còn buông lỏng công tác phòng ngừa, thiếu kế hoạch, chương trình cụ thể; có sự đùn đẩy trách nhiệm và chưa phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, có nơi coi công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm chỉ là trách nhiệm của Bộ Công an. Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa nêu cao trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng.

          Để khắc phục tình trạng trên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, khắc phục những sơ hở, thiếu sót; thường xuyên thanh, kiểm tra nội bộ, tăng cường sự phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và phòng chống tham nhũng.

          Các bộ, ngành, địa phương cũng cần đưa ra những giải pháp tích cực để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm và tham nhũng; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, hạn chế các trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam không cần thiết; nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chú trọng thu hồi tài sản bị xâm phạm, bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, chức vụ và tham nhũng.

          Đáng chú ý cần phát huy vai trò báo chí, bảo đảm quyền tác nghiệp, quyền tiếp cận thông tin của các nhà báo; tăng cường sức mạnh toàn dân trong công cuộc đấu tranh “đẩy lùi và ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí” như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã đề ra.

          Được biết, Dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại tổ và hội trường trước khi biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.

           (Theo Việt Hà, báo Điện tử ĐCSVN)

Các tin mới hơn
Không còn ‘hạ cánh an toàn’ với bất kỳ ai(09/12/2020)
Ban Nội chính Tỉnh ủy Hải Dương: Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng(18/11/2020)
Phòng, chống tham nhũng - Bài học hôm qua, hành động hôm nay(18/09/2018)
Chống “tham nhũng vặt” - một nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của năm 2018 mà cả nhiều năm sau(13/08/2018)
Chống tham nhũng: Phải phát hiện được “củi tươi” đã hỏng để xử lý(29/09/2017)
Các tin cũ hơn
Thuế và tham nhũng(23/10/2012)
Tăng cường phối hợp giữa Văn phòng BCĐ và các cơ quan Thanh tra, Viện Kiểm sát, Toà án để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng.(19/10/2012)
“Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng” (18/10/2012)
Tham nhũng lĩnh vực ngân hàng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng (21/09/2012)
'Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn'(12/09/2012)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín