na
Chuyên đề PCTN
Ban Nội chính Tỉnh ủy Hải Dương: Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng
18/11/2020 12:00:00

Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước

Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng tới cán bộ, đảng viên và phổ biến rộng rãi đến quần chúng nhân dân. Cơ bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, các sở, ngành của tỉnh đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng; đã nhận thức được các tác hại, hậu quả của tham nhũng, cũng như các quy định, biện pháp phòng, chống tham nhũng. Vai trò của cấp ủy đảng, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng được nâng lên.

Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương; chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống kết hợp biện pháp hành chính để nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ. Nội dung phòng, chống tham nhũng đã được các cấp ủy, người đứng đầu đưa vào các cuộc họp, sinh hoạt thường kỳ gắn với chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Quan tâm chỉ đạo công tác theo dõi, điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình dư luận xã hội đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, những nơi cán bộ, công chức có dư luận xấu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực để tổ chức kiểm tra, giám sát và điều động cán bộ.

Các giải pháp phòng, chống tham nhũng được cụ thể hóa thành các quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và được triển khai thực hiện nghiêm túc. Các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng được xây dựng và thực hiện ở từng địa phương, đơn vị; trong đó xác định các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng để tăng cường chỉ đạo và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả. Các cấp, các ngành đã thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền, chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế “một cửa” và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu và rút ngắn thời gian giải quyết các công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, tố cáo tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, đã phát hiện, xử lý một số vụ án tham nhũng thông qua giải quyết đơn thư tố cáo. Công tác kiểm tra, thanh tra được tăng cường, chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, xác định những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để tập trung thanh tra, kiểm tra. Các cơ quan tư pháp đã tăng cường phối hợp, làm tốt công tác xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tháo gỡ khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ; đã xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn.

Từ những kết quả trên, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, không để tình trạng tham nhũng phức tạp, không phát sinh vụ án tham nhũng lớn. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng còn có các mặt hạn chế, đó là:

- Một số cấp uỷ đảng, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đối với công tác phòng, chống tham nhũng; một số giải pháp phòng, chống tham nhũng chưa được thực hiện thường xuyên, có việc chưa sâu sát, chưa kiên quyết; chưa phát hiện và đấu tranh kịp thời với những trường hợp có biểu hiện tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị; các vụ án tham nhũng chủ yếu được phát hiện qua đơn thư tố cáo, tin báo tố giác tội phạm. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa thường xuyên, số cuộc giám sát chuyên đề còn ít, hiệu quả chưa cao.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, người dân về tác hại của tham nhũng, cũng như tính chất khó khăn, phức tạp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm của báo chí và các phương tiện truyền thông trong đấu tranh chống tham nhũng có mặt còn hạn chế. Người dân chưa tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng.

- Một số giải pháp về phòng, chống tham nhũng khi thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp. Một số quy định về công khai, minh bạch chưa được thực hiện đầy đủ. Việc chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập để phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

- Một bộ phận cán bộ, công chức còn có biểu hiện nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm vụ lợi, gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.

- Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoạt động thanh tra phát hiện được nhiều sai phạm về kinh tế nhưng số vụ việc phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong các sai phạm kinh tế để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật còn rất ít.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên, đó là: Một số cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu chưa nêu gương về đạo đức, lối sống, chưa kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng. Việc thực thi pháp luật, kỷ luật, kỷ cương ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Năng lực, trình độ của một số cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số quy định về phòng, chống tham nhũng thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, không phù hợp thực tiễn.

Từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, cần xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng, cụ thể như sau:

Một là, Phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Khẳng định rõ quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng chống tham nhũng; biến quyết tâm phòng, chống tham nhũng thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; trước hết là trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

Hai là, Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Chủ động tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống tham nhũng; trọng tâm là công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, cải cách hành chính, thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý cán bộ, minh bạch về tài chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ theo hướng kiểm tra, giám sát từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên và kiểm tra, giám sát thường xuyên, hàng ngày để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai. Phát huy đầy đủ và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và tính tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ba là, Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc các tại hại, hậu quả của tham nhũng, cũng như các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng; biến nhận thức thành hành động, để cán bộ, công chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, không làm trái, không vi phạm pháp luật, không tham nhũng.

Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí, người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng. Tạo điều kiện, khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng. Thực hiện tốt công tác bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với người dũng cảm tố cáo tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo hoặc lợi dụng tố cáo để gây mất đoàn kết nội bộ.

Bốn là, Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng của các địa phương, cơ quan, đơn vị và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chú trọng công tác điều tra xã hội, đánh giá dư luận xã hội ở những nơi phức tạp, những lĩnh vực phức tạp, dễ xảy ra tiêu cực; công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân để chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra kịp thời và có phương án điều chuyển, bố trí cán bộ cho phù hợp.

Năm là, Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan tư pháp, nhất là trong công tác phát hiện, xử lý các sai phạm có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Chủ động, tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành các vụ án tham nhũng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, kết luận xử lý để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng. Phát huy vai trò nòng cốt, tiếp tục đổi mới phương phức hoạt động, nâng cao hiệu quả của các cơ quan chống tham nhũng; tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan chống tham nhũng phải làm gương, đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, không để xảy ra tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.

Nguyễn Hồng Quang - Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy 


Các tin mới hơn
Không còn ‘hạ cánh an toàn’ với bất kỳ ai(09/12/2020)
Các tin cũ hơn
Phòng, chống tham nhũng - Bài học hôm qua, hành động hôm nay(18/09/2018)
Chống “tham nhũng vặt” - một nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của năm 2018 mà cả nhiều năm sau(13/08/2018)
Chống tham nhũng: Phải phát hiện được “củi tươi” đã hỏng để xử lý(29/09/2017)
Ngừa tham nhũng: Không ai chọn cửa mà sinh ra(12/09/2017)
Nguyên Tổng Giám đốc Vinashinlines và đồng phạm Giang Kim Đạt lĩnh án tử hình(24/02/2017)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín