na
Chuyên đề PCTN
Một số vấn đề về tham nhũng
15/09/2011 08:09:26

Khoa học pháp lý và thực tiễn ở nước ta và các nước trên thế giới đã có nhiều cách lý giải khác nhau về tham nhũng. Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh và cách tiếp cận khác nhau mà mỗi quan điểm đưa ra những ý kiến khác nhau. Nhìn chung các nhà khoa học pháp lý đều có những cơ sở thực tế nhất định để nhận diện, giải thích, làm rõ nội hàm khái niệm tham nhũng theo cách hiểu của mình.

         Tuy nhiên, hiểu tham nhũng ở bình diện chung phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi đối với xã hội mà pháp luật cần phải quy định để có biện pháp phòng ngừa và trừng trị, có thể định nghĩa, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tư pháp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó và sự ảnh hưởng của chức vụ, quyền hạn để thu lợi cá nhân làm thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân.

         Dấu hiệu, đặc điểm của tham nhũng thể hiện ở một số mặt sau:

         1. Về chủ thể

          Phần lớn các quan điểm đều cho rằng chủ thể của tham nhũng đơn giản chỉ là những người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn được hiểu là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Nhà nước, chính đảng, đoàn thể (trong hệ thống chính trị), được giao thực hiện một quyền lực chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng… Nhưng cũng có thể hiểu người có chức vụ, quyền hạn theo một nghĩa rộng hơn, không chỉ giới hạn là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, chính đảng, đoàn thể mà còn cả những người được tin tưởng, giao nhiệm vụ để quản lý tài sản hoặc được giao thực hiện một công việc, một quyền năng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế - xã hội, bao gồm cả lĩnh vực tư, nhưng họ đã có sự lợi dụng hoặc lạm quyền để vụ lợi. Có quan điểm khác lại cho rằng, chủ thể tham nhũng không chỉ là cá nhân mà còn là của tập thể, là sự lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, vai trò của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương để thu lợi nhằm phục vụ lợi ích riêng cho tập thể của họ.

          Pháp luật thực định của Việt Nam cũng quy định chủ thể của tham nhũng được thể hiện trong Bộ luật Hình sự, Luật PCTN và các quy định của pháp luật ngày càng đầy đủ và chi tiết hơn. Theo pháp luật Việt Nam thì chủ thể của hành vi tham nhũng được thể hiện ở góc độ hẹp đó là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Theo khoản 3 Điều 1 Luật PCTN, người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Việc quy định “người có chức vụ, quyền hạn” bao gồm cả “người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó” đã có những bao quát về các đối tượng và có tính chất bao trùm, không chỉ bao gồm các chủ thể đã được nêu trước đó (cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan,..), mà còn là các đối tượng khác thuộc các cơ quan, tổ chức nói chung được giao nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.  

          Vậy, chủ thể của tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, bao gồm những người giữ các chức vụ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các thành phần kinh tế và những người không giữ chức vụ nhưng được giao nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

         2. Khách thể của tham nhũng

          Mặc dù khách thể của tham nhũng tồn tại không phụ thuộc vào chủ thể tham nhũng nhưng chúng có mối quan hệ khăng khít với nhau, tác động qua lại với nhau. Do vậy quá trình nghiên cứu tìm ra khách thể của tham nhũng cũng cần được đặt trong mối quan hệ với chủ thể của tham nhũng. Để hiểu như thế nào là khách thể của tham nhũng, trước hết chúng ta cần làm rõ những quan hệ mà chủ thể tham nhũng hướng tới.

          Thông thường các quan hệ chủ thể tham nhũng hướng tới đó là những lợi ích vật chất, bao gồm tiền, vàng, cổ phiếu, nhà, đất, xe, các loại tài sản khác nhưng bên cạnh đó cũng có cả những lợi ích phi vật chất, nó thuộc giá trị tinh thần mà các chủ thể tham nhũng xâm phạm, cần phải được bảo vệ, như uy tín, danh hiệu thi đua, danh hiệu văn hoá. Ngoài ra các quan hệ chủ thể tham nhũng xâm phạm còn là những giá trị mang tính chuẩn mực xã hội, cần được pháp luật bảo vệ.

          Khách thể của tham nhũng là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, thể hiện ở các lợi ích vật chất, phi vật chất và các giá trị chuẩn mực của xã hội nhưng đã bị hành vi tham nhũng xâm hại tới.

         3. Mặt chủ quan của tham nhũng

          Mặt chủ quan của tham nhũng là trạng thái tâm lý của chủ thể tham nhũng bao gồm các dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích của tham nhũng.

          - Lỗi của hành vi tham nhũng thông thường là lỗi cố ý. Trong một số ít trường hợp chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng với lỗi vô ý, mặc dù chủ thể không mong muốn chiếm đoạt tài sản nhưng do rơi vào tình thế và hoàn cảnh nhất định mà thực hiện hành vi tham nhũng. Cũng có trường hợp cán bộ, công chức, viên chức do năng lực, trình độ yếu kém nên không nhận biết được việc làm của mình đã vô tình tiếp tay cho những kẻ tham nhũng và họ đóng vai trò là người giúp sức cho tội phạm tham nhũng. 

          - Động cơ tham nhũng: Động cơ tham nhũng là nhu cầu được nhận thức bởi chủ thể tạo nên động lực thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng. Động cơ là dấu hiệu quan trọng để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng. Trong một số trường hợp nếu không chứng minh được động cơ của người thực hiện hành vi tham nhũng thì việc áp dụng biện pháp xử lý sẽ không chính xác, khách quan và hiệu quả. Trên thực tế, phần lớn các trường hợp tham nhũng đều có động cơ xuất phát từ ham muốn cá nhân để thoả mãn nhu cầu về vật chất, tinh thần của họ.

          - Mục đích tham nhũng là kết quả mà chủ thể mong muốn đạt được trên thực tế bằng hành vi tham nhũng. Mục đích tham nhũng chính là giới hạn cuối cùng mà chủ thể mong muốn đạt được trên thực tế thông qua hành vi tham nhũng. Mục đích của tham nhũng thường thể hiện ở việc chủ thể mọng muốn chiếm đoạt những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Việc xác định mục đích tham nhũng là rất khó khăn, nhất là những lợi ích phi vật chất. Đối với lợi ích vật chất, trong nhiều trường hợp cũng rất khó xác định bởi trong cơ chế thị trường hiện nay lợi ích vật chất được nấp dưới nhiều hình thức và chúng có sự chuyển hoá liên tục. Ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể các lợi ích vật chất và phi vật chất đan xen nên rất khó phân biệt và xác định cụ thể mục đích của tham nhũng.

 

Các lợi ích vật chất và phi vật chất đan xen nên rất khó phân biệt và xác định cụ thể mục đích của tham nhũng.

          4. Mặt khách quan của tham nhũng

          Mặt khách quan của tham nhũng là những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của chủ thể tham nhũng còn là hành vi tham nhũng, hậu quả tham nhũng và mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả tham nhũng.

          Hành vi tham nhũng là hành vi trái pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn, là những hành vi không được thực hiện nhưng người có chức vụ, quyền hạn đã thực hiện để vụ lợi. Hành vi tham nhũng được thể hiện bằng hành động hay không hành động. Trên thực tế, việc xác định hành vi tham nhũng là một việc hết sức khó khăn. Trong rất nhiều trường hợp mặc dù có dấu hiệu tham nhũng nhưng không xác định được một cách rõ ràng hành vi tham nhũng. Để có cơ sở khi xác định hành vi tham nhũng, trong các văn bản pháp luật về PCTN, Nhà nước đã quy định cụ thể những hành vi tham nhũng. Việc quy định hành vi tham nhũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng của Nhà nước xác định hành vi tham nhũng và truy cứu trách nhiệm đối với hành vi tham nhũng.

          Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, hành vi tham nhũng bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Các hành vi tham nhũng này so với thực tế thì vẫn chưa đầy đủ và cần phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung một số hành vi cho phù hợp, chẳng hạn như hành vi “làm giàu bất hợp pháp”, “hứa hẹn, chào mời hay cho một lợi ích không chính đáng, trực tiếp hay gián tiếp cho người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư vì lợi ích của chính người đó hay của người hoặc tổ chức khác, để người đó vi phạm nhiệm vụ của mình bằng cách làm hoặc không làm một việc gì”.

          Trên thực tế, rất khó để có thể giải thích đầy đủ và thoả đáng về nguồn gốc của tham nhũng, nhưng có thể thấy tham nhũng xuất hiện từ rất sớm, đó là từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành Nhà nước. Khi đã có quyền lực, người có quyền lực có thể sử dụng theo nhiều phương thức khác nhau, bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nếu người sử dụng quyền lực khách quan, công bằng thì các quan hệ xã hội sẽ phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo quy luật phát triển, nhưng nếu không khách quan, công bằng, nhất là có sự lợi dụng thì nó sẽ làm biến dạng các quan hệ, trường hợp có yếu tố vụ lợi thì sự biến dạng lại càng lớn. Do người được giao quyền lực thực hiện quyền lực theo những cách thức riêng nên sự lạm dụng quyền lực là rất dễ xẩy ra và khó có thể tránh khỏi. Khi người sử dụng quyền lực có lòng tham thì bằng cách này hay cách khác họ sẽ dựa vào quyền lực của mình để thực hiện ý đồ vụ lợi cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, có những người mặc dù không có quyền lực nhưng họ đã có sự dựa dẫm vào người có quyền lực, để lợi dụng người có quyền lực thực hiện những hành vi trục lợi cá nhân, khi đó, người sử dụng quyền lực có thể được hưởng lợi từ việc thực hiện quyền lực bị lợi dụng đó và đây chính là nguyên nhân dẫn đến phát sinh tham nhũng.

          Việc nẩy sinh tham nhũng còn do sự kiểm soát quyền lực trong xã hội không chặt chẽ, tạo ra nhiều sơ hở để cho mầm mống tham nhũng có điều kiện phát triển. Nguồn gốc làm nảy sinh tham nhũng còn là do cơ chế xử lý tham nhũng kém hiệu quả, chưa đủ răn đe. Ngoài ra, tham nhũng còn có nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thấp kém, tiền lương không thoả đáng; các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội không phù hợp; trình độ dân trí lạc hậu….  

          Để đánh giá được thực trạng tham nhũng cần phải có đầy đủ hệ thống các tiêu chí đánh giá tham nhũng, và quan trọng nhất là phải có đầy đủ các số liệu theo các tiêu chí phản ánh thực trạng tham nhũng. Trong những năm qua đã có nhiều nhận định, đánh giá về thực trạng tham nhũng ở nước ta nhưng vì có nhiều lý do khác nhau mà các kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng ở nước ta còn có những hạn chế, thường là không sát với thực tế. Để có nhận định, đánh giá đúng thực trạng tham nhũng đòi hỏi phải có đầy đủ các tiêu chí và các tiêu chí này phải được thống kê một cách đầy đủ, đây quả là một thách thức rất lớn cho các nhà quản lý cũng như nhà nghiên cứu trong việc đánh giá thực trạng tham nhũng ở nước ta. /.

          (DKN/Theo ThS. Trần Đăng Vinh, Phó Chánh VP Thanh tra CP)

 

Các tin mới hơn
Không còn ‘hạ cánh an toàn’ với bất kỳ ai(09/12/2020)
Ban Nội chính Tỉnh ủy Hải Dương: Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng(18/11/2020)
Phòng, chống tham nhũng - Bài học hôm qua, hành động hôm nay(18/09/2018)
Chống “tham nhũng vặt” - một nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của năm 2018 mà cả nhiều năm sau(13/08/2018)
Chống tham nhũng: Phải phát hiện được “củi tươi” đã hỏng để xử lý(29/09/2017)
Các tin cũ hơn
Chống lạm thu đầu năm học (12/09/2011)
Giáo sư Đặng Hùng Võ lý giải tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam(07/09/2011)
Nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ cấp xã (07/09/2011)
Một quyết định đột phá (01/09/2011)
"Tham nhũng là khuyết tật của quyền lực"(30/08/2011)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín