na
Quốc tế
Chống tham nhũng: Cuộc chiến cam go ở châu Phi
09/08/2011 02:06:27

Với chủ đề “Chống tham nhũng (CTN) - Chính phủ trong sạch để phát triển bền vững”, từ ngày 27 - 28/6, tại TP Rabat (Maroc) đã diễn ra cuộc hội thảo với sự tham gia của đại diện 37 quốc gia châu Phi, các tổ chức CTN và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

          Cuộc hội thảo được tổ chức sau khi các tổ chức minh bạch và CTN quốc tế lên tiếng chỉ trích các nước châu Phi đã quá lơ là trong phòng, CTN (PCTN), để loại tội phạm này hoành hành ở tất cả các cấp, từ T.Ư đến địa phương. Không những thế, các quan chức tham nhũng ở châu Phi, sau khi đút túi cả một “núi” tiền và tài sản đã tìm cách gửi ra nước ngoài để “phòng thân”. Để rồi, khi bị lật đổ, mất chức quyền, những người này lại ung dung sống cuộc sống đế vương ở nước ngoài, và chẳng một lần bị cơ quan điều tra xét hỏi, bị điều tra hay bị đưa ra xét xử.

          Chính việc làm tắc trách này của các cấp chính quyền ở nhiều quốc gia châu Phi đã khiến tỷ lệ thất thoát ngân sách lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm. Cuộc sống của người dân thì ngày càng suy giảm. Hậu quả là, những cuộc nổi dậy của các nhóm cực đoan, những cuộc nội chiến đẫm máu triền miên, dai dẳng; kinh tế sụt giảm trầm trọng. Đáng chú ý hơn, một phần lớn tài trợ của quốc tế khi “rót” về các quốc gia châu Phi nghèo đói này cũng “bốc hơi” một cách rất bí ẩn.

             Mỗi năm thất thoát 50 tỷ USD
            
            Tham nhũng đang thực sự trở thành thảm họa đối với sự phát triển của các nước châu Phi. Thủ tướng Maroc Abbas El Fassi đã nhấn mạnh rằng: Cuộc chiến CTN phải trở thành một cuộc chiến toàn diện, sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực, các cấp, kể cả cấp Chính phủ. Cho đến bây giờ, không chỉ kêu gọi, hô hào CTN, mà phải kết hợp CTN xuyên quốc gia, học tập kinh nghiệm các nước CTN hiệu quả để áp dụng ở từng quốc gia, đưa thêm những khung hình phạt theo chiều hướng tăng mạnh, kể cả áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình. Việc kiểm tra, giám sát và minh bạch mọi chi tiêu của chính quyền, kể cả Chính phủ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong CTN.

           Thủ tướng Maroc cho biết, trong bối cảnh phát triển hiện nay, ngân sách các quốc gia châu Phi, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sẽ phải chi ra rất nhiều tiền để thực hiện các chiến lược phát triển chung. Thế nhưng, vẫn còn tồn tại một thực tế đáng lo ngại đó là gian lận tài chính, trốn thuế và biển thủ “không thương tiếc” nguồn vốn Chính phủ và quốc tế hỗ trợ tái thiết và phát triển, diễn ra ở hầu hết các khâu của bất kỳ dự án (D.A) nào, dù lớn hay nhỏ.

             Khó khăn lớn nhất đối với Chính phủ đó là sự thiếu liên kết giám sát chặt chẽ giữa các quốc gia châu Phi, giữa châu Phi với các tổ chức quốc tế trong quá trình giải ngân hỗ trợ cho mục đích phát triển bền vững. Việc phối hợp với các tổ chức tài chính, kiểm toán quốc tế để bảo đảm nguồn vốn đầu tư phát triển tại châu Phi phát huy hiệu quả hiện đang rất lỏng lẻo, nếu không muốn nói là gần như không có.

             Chính tham nhũng đã và đang làm mất đi rất nhiều D.A hỗ trợ phát triển mà quốc tế dành cho châu Phi. Theo đánh giá của Alia Al-Dalli, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Maroc, hàng năm, ngân sách hỗ trợ cho châu Phi vào khoảng 150 tỷ USD. Thế nhưng, có đến hơn 50 tỷ USD “bốc hơi” một cách bí ẩn. Số còn lại được giải ngân để triển khai D.A thì cũng bị “bòn rút” dần theo nhiều cách khiến các D.A không phát huy hết hiệu quả. Nhiều D.A phải “treo” không thực hiện vì bị thất thoát quá nhiều.

             Nạn tham nhũng đã làm các D.A về giáo dục và y tế suy giảm. Nỗ lực chống đói nghèo, hỗ trợ phát triển của các nước châu Phi đi vào ngõ cụt vì thiếu vốn do các tổ chức quốc tế tài trợ e ngại thất thoát nên không tiếp tục giải ngân.

                Theo báo cáo của TI, châu Phi hiện nằm trong danh sách châu lục tham nhũng nhất hành tinh. Chính vì thế, việc triển khai các D.A quốc tế tại châu lục này đang rất khó khăn. Cộng đồng quốc tế buộc phải đưa ra những điều kiện đi kèm bắt buộc ở từng D.A phát triển trước khi giải ngân. Như ở Maroc, UNDP đã yêu cầu Chính phủ nước này buộc phải thực hiện một D.A “đầy tham vọng” trước khi nhận được tài trợ của quốc tế đó là thành lập một ủy ban điều phối đặc biệt, hoạt động độc lập với thành phần chủ chốt là đại diện các tổ chức quốc tế để liên kết với các cơ quan PCTN của Maroc điều phối mọi hoạt động của các D.A dự định đầu tư tại Maroc. Bên cạnh đó, Maroc cũng phải cải tổ lại hệ thống và bộ máy Chính phủ cho gọn nhẹ, năng động. Đặc biệt, phải lựa chọn những người trong sạch, dưới sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức quốc tế và người dân.

               Đối với nhiều quốc gia châu Phi khác, ngoài việc cải tổ bộ máy chính quyền gọn nhẹ, công khai và minh bạch, ký kết các công ước PCTN của quốc tế và khu vực thì phải thành lập cơ quan PCTN hoạt động độc lập. Thành phần tham gia cơ quan này phải có đại diện của dân sự, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của người dân nói chung để cùng giám sát quá trình phát triển của quốc gia đó. Nếu các cơ quan PCTN mà người đứng đầu do Chính phủ chỉ định hoặc là thành viên Chính phủ thì phải liên kết với các tổ chức PCTN khu vực và quốc tế trong quá trình giám sát các D.A đầu tư tái thiết và phát triển. Trong những D.A đặc biệt, có số vốn giải ngân lớn, nhất thiết phải lập một nhóm giám sát, kiểm tra riêng biệt, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm giám sát chặt chẽ nguồn vốn giải ngân, phát hiện và chặn đứng từ đầu mọi âm mưu biển thủ công quỹ, chỉ định thầu, bán thầu để ăn chênh lệch. Trong một số trường hợp, nếu nhà thầu trong nước không đủ năng lực (theo thẩm định của các tổ chức liên quan) thì D.A phát triển ở châu Phi sẽ do các nhà thầu quốc tế đảm nhận thông qua đấu thầu, làm việc dưới sự điều hành của Chính phủ sở tại và sự giám sát của các cơ quan PCTN quốc tế liên quan.

               Thu hồi tài sản bất minh
 
              Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào vấn đề “hậu” tham nhũng, đó là việc phối hợp thu hồi các tài sản bất minh, tài sản do tham nhũng, biển thủ công quỹ của quan chức các nước châu Phi.

              Đại diện của TI tại châu Phi khẳng định: Hiện nay, tổ chức này đang có trong tay một danh sách các quan chức lãnh đạo ở châu Phi có tài khoản ngân hàng (NH) tại nước ngoài với số tiền rất lớn. Đó là chưa kể đến khối lượng hàng trăm chiếc xe hơi siêu sang, máy bay cá nhân, biệt thự, bất động sản nằm rải rác ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tập trung ở các nước châu Âu phát triển, mà quyền sở hữu thực tế thuộc về các quan chức lãnh đạo châu Phi. Trong số này có nhiều người là lãnh đạo cao nhất ở châu Phi như: Tổng thống Omar Bongo (Gabon), Denis Sassou-Nguesso (Cộng hòa Congo), Teodoro Obiang (Guinée Xích đạo) và gần đây nhất là Ben Ali (Tunisi).

              TI cho biết, trong khi chờ đợi tòa án ở các quốc gia châu Phi mở những cuộc điều tra về hành vi tham nhũng của nhiều quan chức lãnh đạo cấp cao ở các nước này thì bên ngoài, tại các nước mà những quan chức đó trốn chạy lưu vong, họ vẫn tiếp tục một cuộc sống xa hoa từ số tiền bất chính đã cướp bóc được của người dân trong quá trình nắm giữ quyền lực.

             Trước khi việc xét xử quan chức tham nhũng được tiến hành, việc cần nhất là sự phối hợp của các quốc gia liên quan trong việc ngăn chặn, phong tỏa mọi tài khoản nhằm không cho họ cơ hội tiêu xài hoang phí hoặc tiếp tục tẩu tán tài sản sang nước thứ ba. Việc làm này là rất cấp thiết, vì vừa bảo vệ được nguồn tài sản còn nguyên vẹn, không thất thoát, vừa tạo ra hy vọng cho các nước châu Phi về triển vọng thu hồi tài sản bị thất thoát do các quan chức tham nhũng thực hiện. Số tài sản này là rất lớn, và rất cần cho quá trình tái thiết, phát triển của các nước châu Phi.

              Để chứng minh số tài sản ở nước ngoài của các quan chức lãnh đạo châu Phi là rất lớn, đại diện TI chỉ đưa ra một số thống kê như sau để thấy mức độ “khủng” của số tài sản do tham nhũng mà có. Đó là trường hợp Tổng thống Omar Bongo (Gabon) và người thân sở hữu tới 39 bất động sản (phần lớn nằm ở các quận trung tâm giàu có tại Paris, Pháp), sở hữu 70 tài khoản NH (không tài khoản nào có số dư dưới nửa triệu USD), 9 chiếc xe hơi siêu sang (trị giá hơn 1 triệu USD/chiếc)… Thống kê như vậy để thấy, mức độ tham nhũng tàn bạo của Omar Bongo là như thế nào. Và, việc bảo vệ khối tài sản khổng lồ đó để “hoàn trả” cho người dân Gabon cũng quan trọng như thế nào.

               Mặc dù hiện nay Chính phủ Pháp không mấy “mặn mà” với việc phong tỏa tài sản của nhiều quan chức châu Phi, nhưng cũng đã có một vài động thái tích cực, với sự tác động của TI, cho việc phong tỏa tài sản, tài khoản của các quan tham phục vụ cho công tác điều tra và hậu xét xử. Bên cạnh đó, Chính phủ một số quốc gia châu Âu, nơi các quan tham châu Phi đang “gửi gắm” tài sản và tài khoản, đã bắt đầu phối hợp với các tổ chức quốc tế và Chính phủ các quốc gia châu Phi trong quá trình phối hợp cùng điều tra các loại tội phạm tham nhũng, hiện đang sống lưu vong tại châu Âu.

              Quá trình thỏa thuận để dẫn độ tội phạm kinh tế, tài chính, tham nhũng đang dần được hoàn thiện. Hệ thống văn bản, công ước về hoàn trả tài sản và tiền cho các nước châu Phi cũng được nhiều quốc gia châu Âu nỗ lực triển khai để đi đến những kết luận, đưa ra những văn bản chính thức. Các cơ quan tư pháp cũng đang không ngừng phối hợp với nhau triển khai đồng bộ những giải pháp còn vướng mắc về việc thu hồi tài sản của các quan chức lãnh đạo châu Phi tham nhũng.

              Những nỗ lực, cố gắng này đã giúp người dân châu Phi tin tưởng và hy vọng nhiều hơn về việc thu hồi tài sản bị đánh cắp chuyển ra nước ngoài. Số tiền thu hồi được sẽ đóng góp một phần quan trọng vào quá trình tái thiết và phát triển châu Phi một cách bền vững hơn. Không những vậy, việc làm này sẽ cắt đứt hy vọng cho các quan tham ở châu Phi về việc “gửi gắm” tiền, tài sản tham nhũng ở nước ngoài để “ung dung hưởng lợi” nếu có bị lật đổ và trốn chạy sống lưu vong ở nước ngoài.
 
Theo dõi tài sản của các quan chức bị nghi ngờ tham nhũng
Theo BBC, người ta tin rằng, 2 trung tâm tài chính Luân Đôn (Anh) và Thụy Sĩ là nơi gia đình ông Hosni Mubarak, Tổng thống bị lật đổ của Ai Cập cất giữ tài sản.

Cục trưởng Cục Phòng, chống lừa đảo Anh Richard Alderman nói với phóng viên Báo The Sunday Times ở Luân Đôn: “Người dân muốn chúng tôi tìm kiếm một trong số các khoản tiền này nếu chúng tôi biết thực sự có những khoản như thế (tại Anh) và cố gắng hoàn trả cho người dân các nước bị tham nhũng”.

Người phụ trách chính sách ngoại giao của phe đối lập tại Anh, ông Douglas Alexander chỉ rõ: “Chính phủ cần ngay lập tức yêu cầu Cục Phòng, chống lừa đảo điều tra các tài sản mà ông Mubarak có tại Anh. Chúng ta cần góp phần bảo đảm rằng, bất cứ đồng tiền nào chính đáng thuộc về người dân Ai Cập thì chúng ta phải trả lại cho họ”.

Bộ trưởng Kinh doanh Anh Vince Cable thì “không biết” liệu ông Mubarak có “nhiều tài sản” tại Anh không, nhưng cảnh báo: Chính phủ sẽ ra tay đối với bất cứ NH Anh nào dính líu tới chuyện giúp ông Mubarak tẩu tán tài sản.

Lãnh tụ Libya, Đại tá Gaddafi cũng đang bị đặt nhiều dấu hỏi liên quan đến khối tài sản được coi là khổng lồ của ông.

Libya có nguồn tiền công khai ở hải ngoại tại tổ chức mang tên Cơ quan Đầu tư Libya (Libyan Investment Authority). Đây là một quỹ được lập ra 5 năm về trước nhằm quản trị khoản thu nhập từ dầu mỏ của nước này. Người ta ước tính, quỹ có tới 70 tỷ USD. Quỹ này có cổ phần cả trong 1 công ty thuộc ngành xuất bản ở Anh hiện đang nắm giữ tờ nhật báo chuyên về tài chính nổi tiếng là Financial Times. Ngoài ra, các khoản đầu tư của quỹ chủ yếu tập trung vào Italy, nơi Quỹ Đầu tư Libya có cổ phiếu cả trong một NH lớn và nghe nói thậm chí là cả đội bóng Juventus.

Điều đáng nói, các nhà phân tích cho rằng, Quỹ Đầu tư Libya có hoạt động bí mật khác thường. Các tiếp cận chuyện làm ăn của họ cũng bị cho là tùy hứng và một phần nào đó chịu ảnh hưởng bởi các quyền lợi cá nhân của các con trai ông Gaddafi.

Đương nhiên, cũng hoàn toàn không có thông tin công khai gì về tài sản riêng của gia đình Gaddafi.

Theo thông tin của VOA, giới chức Bộ Tài chính Mỹ đã đề nghị các NH của nước này theo dõi chặt chẽ những hoạt động có thể liên quan đến vụ bạo động ở Libya để phát hiện các dấu hiệu cho thấy tài sản nhà nước bị sử dụng sai mục đích. Khuyến nghị được Mạng lưới Thực thi Luật pháp về tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Mỹ ban hành chỉ đạo các tổ chức tài chính, tín dụng theo dõi tài khoản của các nhân vật chính trị cấp cao, trong đó có thể có những khoản thu từ tiền hối lộ hay các khoản tiền bất hợp pháp khác.
Thạch Anh
            (LH, theo Thanhtra.com.vn)
Các tin mới hơn
Bắt giữ cựu Thủ tướng Malaysia vì cáo buộc tham nhũng(10/03/2023)
Tố cáo tham nhũng - Hành động quyết định cho một thế giới công bằng(08/07/2021)
Malaysia công bố kế hoạch chống tham nhũng 5 năm(11/02/2019)
Kinh nghiệm phòng ,chống tham nhũng của Hà Lan và Đức(31/10/2018)
31 quốc gia tham nhũng nhất thế giới(18/10/2018)
Các tin cũ hơn
Chết vì tham nhũng và hủ hóa(04/08/2011)
Ngành viễn thông Trung Quốc: “Đứt cáp” vì tham nhũng(30/06/2011)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín