na
Đảng bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy
Xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ nội chính Đảng: TRUNG THÀNH, LIÊM CHÍNH, BẢN LĨNH, SÁNG TẠO
12/10/2016 10:04:13

Bài phát biểu tham luận của Đồng chí Nguyễn Văn Thế, Phó trưởng phòng theo dõi công tác các cơ quan nội chính tại Hội thảo về xây dựng chuẩn mực người cán bộ nội chính Đảng : TRUNG THÀNH, LIÊM CHÍNH, BẢN LĨNH, SÁNG TẠO, do Đảng ủy Ban Nội chính Tỉnh ủy Hải Dương vừa tổ chức.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức. Bác khẳng định, đạo đức là gốc của người cách mạng. Bác viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” và “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. 

Những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa có tình; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng. 

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ngày 14/5/2011 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng chuẩn mực đạo đức người cán bộ .Và từ đây việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một nội dung mà các tổ chức Đảng, các cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể phải thực hiện thường xuyên; là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm.

Trên tinh thần đó, Đảng ủy Ban Nội chính Hải Dương cụ thể hóa bằng chuyên đề “học tập , rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng chuẩn mực đạo đức người cán bộ nội chính Đảng TRUNG THÀNH, BẢN LĨNH, LIÊM CHÍNH, SÁNG TẠO.

          Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chuẩn mực “ TRUNG THÀNH, BẢN LĨNH, LIÊM CHÍNH, SÁNG TẠO”  phải góp phần quan trọng làm chuyển biến trong nhận thức, quyết tâm trong hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác về phẩm chất cần cù, tiết kiệm, liêm khiết, chính trực, trung thực, sáng tạo, chí công vô tư, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có lối sống giản dị, trong sáng, lành mạnh. Tăng cường đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Việc học tập cũng phải tác động tốt đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn ở Ban Nội chính Tỉnh Ủy Hải Dương , thực sự  góp phần đảm bảo giữ vững an ninh và bảo vệ Quốc Gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy sức mạnh tập thể. Ý thức tiết kiệm, chống lãng phí và tinh thần đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên bằng việc biến các  qui địng tại QĐ 183 thành Nghị Quyết, Đề án, Chuyên đề hành động được BCH đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XI phê duyệt, có giá trị thực tiễn trong đời sống chính trị tỉnh nhà,

Các chuẩn mực Bản lĩnh, Liêm chính, Sáng tạo sẽ được các báo cáo viên thể hiện trong từng tham luận cụ thể, tôi xin tham luận với chuẩn mực TRUNG THÀNH.

Về khái niệm “trung thành” hiện có rất nhiều tài liệu nói tới, ví dụ: “Trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn những tình cảm gắn bó, những điều đã cam kết đối với ai hay cái gì.” “Trung thành với tổ quốc. Trung thành với lời hứa. Người bạn trung thành. Đúng với sự thật vốn có, không thêm bớt, thay đổi”, theo tôi khái niệm đầu tiên là khái niệm có thể đại diện, được nhiều người sử dụng và cơ bản biểu đạt nghĩa của trung thành qua các giai đoạn mà bản chất vẫn giữ vững.

          Ở chế độ quân chủ (chế độ vua tôi) thì chữ Trung được hiểu là “lấy điều mình muốn kẻ khác làm cho mình, đem làm cho người, đó là Trung. Nói một cách vắn tắt hơn thì “hết lòng mình đối với người (tận kỷ chi vị trung)”

"Trung" là khái niệm chính trị - đạo đức, xuất hiện trong các tác phẩm kinh điển của Nho giáo và thường được dùng để chỉ hành động hết lòng với vua, mà theo đó, khái niệm "trung quân" (trung với vua) xuất hiện. Khi quyền lợi của ông vua ấy thống nhất với quyền lợi của dân tộc thì "trung" đó cũng đồng thời là trung với nuớc.

Trong mối quan hệ quân - thần (vua - tôi), nhà tư tưởng lớn người Trung Quốc cổ đại (khoảng 551- 479 TCN) đã nhận thấy ở đó mỗi bên đều phải có trách nhiệm với nhau, đều phải có cách đối xử cần thiết, và cách đối xử của bên này là điều kiện để bên kia có cách đối xử tương ứng. Xuất phát từ thực tiễn xã hội cổ đại bấy giờ, Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến loạn lạc trong thời Xuân Thu là do vua không ra vua, bề tôi không ra bề tôi và do vậy đưa đến tình trạng giành địa vị của nhau, vương hầu lấn át quyền "thiên tử". Ông không chủ trương "ngu trung", không bắt buộc bề tôi phải phục tùng bề trên một cách vô điều kiện như quan niệm về chữ "trung" của các nhà Nho sau này. Một số nhà tư tưởng (Mạnh Tử và Tuân Tử) cũng đều cho rằng, trung không phải là tuyệt đối, khi vua không ra vua thì thần dân không nhất thiết phải trung. 

Đến chế độ phong kiến trung ương tập quyền thì nội dung của "trung" đã có khác. Khi đó, nhà vua và triều thần đều cần người bề tôi tuyệt đối phục tùng vua, trung thành với vua vô điều kiện. Trong lịch sử xã hội phong kiến phương Đông đã có biết bao người chết cho sự nghiệp của một ông vua. Việc làm đó do tư tưởng trên chi phối, đồng thời nó cũng làm cho tư tưởng trên mang ý nghĩa hiện thực và đuợc củng cố.

Ở Việt Nam, quan niệm về "trung" không hoàn toàn như thế. Khi một triều đại đang lên thì trung gắn liền với lòng yêu nước, với lợi ích của dân tộc. Trong thời kỳ dựng nước, quan hệ vua tôi là quan hệ quân thần ; họ cùng chung một lý tưởng yêu nước, chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Đã có nhiều tấm gương tiêu biểu cho lòng trung thành với người lãnh đạo. Chẳng hạn, vì sự nghiệp chung mà Lê Lai đã chết thay Lê Lợi ; Dã Tượng, Yết Kiêu đã liều chết để bảo vệ Trần Hưng Đạo... Nhưng khi triều đại ấy đã suy đồi, vua chúa trở thành kẻ phản động, bán nước như Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh, Nguyễn Anh cầu cứu thực dân Pháp, triều đình có những kẻ ngu quân thì nhân dân ta lại quyết tâm vùng dậy chống lại chế độ phong kiến, lật đổ vua này lập vua khác, như thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn. Truyền thống của người Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói, là "Trung với nước, hiếu với dân". Tư tưởng chủ đạo của người Việt Nam là yêu nước. Bởi trong quan niệm của họ, vua đến rồi lại đi, triều đại dựng lên rồi lại đổ, chỉ đất nước của muôn dân là còn mãi. Do vậy, lời dạy "Trung với nước, hiếu với dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào tâm trí mỗi nguời chúng ta một cách tự nhiên.


Khi xác định nội dung trung, hiếu cho mỗi đối tượng, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt nội dung ấy trong sự phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. 

Đối với lực lượng vũ trang, khi xác định bản chất đạo đức cách mạng của quân đội ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ : "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khǎn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”


Đối với cán bộ cao cấp trong quân đội, Người dạy : "Tướng là kẻ giúp nước. Tướng giỏi (đủ cả : trí, tín, nhân, dũng, liêm) thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn... Biết sức ta, biết sức địch thì trǎm trận đều thắng. Biết sức ta, mà không biết sức địch thì 1 thắng 1 bại. Không biết ta, không biết địch thì trận nào cũng thua". Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải : "trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung ... Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng” .

Sáu chuẩn mực đạo đức đó, theo Người, mọi cán bộ quân sự đều phải có. Mỗi chuẩn mực ấy có nội dung riêng, nhưng tất cả đều liên hệ với nhau, trong đó chữ trung là nền tảng. "Trung với nước, hiếu với dân" đã tạo nên sức mạnh vô địch của quân đội ta, giúp quân đội ta vượt qua mọi khó khǎn và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Đối với công an nhân dân, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ bản chất của công an nhân dân : "Công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc" . Muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình, công an nhân dân "phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ bị thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn". Người yêu cầu công an phải nắm vững đường lối, thấu suốt chính sách của đảng và Chính Phủ, tuyệt đối trung thành với Đảng

Đối với thanh niên, Bác Hồ yêu cầu "Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng... Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp" . Trong thư gửi thanh niên ngày 2-9-1965, Người cǎn dặn thanh niên : "Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước, hiếu với dân" nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khǎn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Không sợ gian khổ, hy sinh, hǎng hái thi đua tǎng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước"  

Đối với các thầy, cô giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cǎn dặn : "Thầy và trò phải luôn nêu cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho... Dù khó khǎn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt.

Đối với Đảng, Hồ Chí Minh cho rằng, để xứng đáng là người lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ và nǎng lực để làm tròn nhiệm vụ. Một trong những lời dạy quan trọng mà Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhất là từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, đó là : "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”


Để xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Đảng phải vạch ra đường lối chủ trương, chính sách đúng đắn, đem lại lợi ích cho nhân dân. Mọi tổ chức Đảng, lãnh đạo các cấp phải luôn quan tâm đến đời sống vật chất và vǎn hóa của nhân dân, từ những việc nhỏ đến việc lớn, phải luôn ghi nhớ lời cǎn dặn của Người, thấm nhuần lời dạy của Người, trong giai đoạn cách mạng mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mỗi đảng viên và cán bộ thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
 Trong thời gian đổi mới vừa qua, đường lối của Đảng đã đi vào cuộc sống, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện, đất nước đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, uy tín của Đảng được nâng cao.

Tuy nhiên, những mặt trái của kinh tế thị trường cũng tạo ra cơ hội cho những hiện tượng tiêu cực nảy sinh. Đó là: nạn tham nhũng, buôn lậu, bất chấp đạo lý và pháp luật để làm giàu bất chính. Sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm giảm sút uy tín của Đảng, của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân. Kinh tế thị trường kích thích chủ nghĩa cá nhân phat triển, không ít người vì lợi, quên nghĩa, coi đồng tiền là trên hết. Chủ nghĩa cá nhân thời kinh tế thị trường nối tiếp những biểu hiện xấu xa của chủ nghĩa cá nhân thời bao cấp cũ, gây nên tác hại to lớn và nghiêm trọng, nhất là nạn tham nhũng. Tham nhũng và tệ quan liêu đã trở thành một trong bốn nguy cơ của đất nước, là môi trường tốt cho các thế lực thù địch thực hiện "âm mưu diễn biến hòa bình".

          Như vậy, Người cán bộ nội chính đảng TRUNG THÀNH là phải bao hàm đầy đủ những phẩm chất đã phân tích ở trên còn phải có những biểu hiện đạo đức cụ thể, nổi trội hơn trong công tác, học tập và làm việc, tại nơi cư trú và ngay cả trong cuộc sống gia đình. Những biểu hiện cụ thể đó là:

         

Một là: Trung với nước, phải đặt lợi ích Quốc gia dân tộc, của Đảng lên trên hết, có quan điểm cách mạng vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu cách mạng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, luôn nêu cao trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao; phấn đấu vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.

Có thể nói gọn chuẩn mực này là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

          Hai là: - Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; rèn luyện phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người đối với CB Nội chính hiện nay là: nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tích cực học tập, rèn luyện với tinh thần sáng tạo, có chất lượng hiệu quả cao; thực hiện chí công vô tư, luôn ưu tiên đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, xây dựng nội bộ đoàn kết, vững mạnh, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng; kiên quyết chống bệnh lười biếng, thỏa mãn trong công tác, rèn luyện, tích cực bài trừ tư tưởng trung bình chủ nghĩa, không có động cơ, phấn đấu đúng đắn trong công tác chuyên môn.

Ba là:  Có lối sống giản dị, trong sáng và đức tính cần cù, trung thực, khiêm tốn; tinh thần cảnh giác cách mạng; có ý thức đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu nhân dân, các tệ nạn xã hội .

Bốn là: Rèn luyện phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; luôn có ý thức tự học hỏi vươn lên, xác định việc học tập và rèn luyện phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ là nhiệm vụ hàng đầu, không ngừng phần đấu nâng cao trình độ mọi mặt trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công tác được giao; phấn đấu trở thành người cán bộ thời đại mới vừa “hồng”, vừa “chuyên”.có phương pháp làm vệc đổi mới; sâu, sát công việc; coi trọng nguyên tắc, kỷ cương; phân tích xử lý vấn đề khách quan, công tâm, có lý có tình, chủ động tham mưu hoặc chủ động đề xuất phối hợp tham mưu xây dựng các chính sách, đề án phù hợp thực tiễn cuộc sống về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng, biến chỉ thị nghị quyết của đảng về lĩnh vực này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Năm là: có tấm lòng vì dân, thương dân, gần gũi, tôn trọng nhân dân, biết chia sẻ, thông cảm với nhân dân khi xử lý công việc; biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của nhân dân; hoạt động vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; thường xuyên sinh hoạt với nhân dân nơi cư trú đúng quy định của Nhà nước

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ công chức nội chính Đảng theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, các cuộc thi tìm hiểu về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hình thành phông tư liệu, xây dựng và phổ biến nội dung chuẩn mực đạo đức cho cán bộ công chức nội chính Đảng thông qua các bài giảng, bài nói chuyện về chính trị, về truyền thống nghành nội chính, về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là, triển khai hướng dẫn trong Ban Nội chính xây dựng nội dung, đăng ký kế hoạch học tập thực hiện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với từng công chức, viên chức, từng lĩnh vực, vị trí công tác cụ thể. Nội dung học tập, thực hiện phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện, tránh việc làm mang tính hình thức, hô khẩu hiệu.

Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN; từ đó liên hệ với nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức nội chính; lồng ghép hợp lý các nội dung tuyên truyền với các lĩnh vực công tác nhằm không chỉ giáo dục về chuyên môn, năng lực tư duy lý luận mà quan trọng hơn là hình thành kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách người cán bộ nội chính đảng trong giai đoạn mới.

Bốn là, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đánh giá, báo cáo kết quả, tổng kết; kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời phê bình những tập thể, cá nhân chưa có ý thức tu dưỡng, học tập, làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm.

Tư tưởng và cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại những bài học quý báu cho chúng ta học tập và làm theo. Trong giai đoạn hiện nay, trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khôn lường, Việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải thực sự gắn với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy sức mạnh tập thể và gắn với việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đẩy lùi tệ tham nhũng, thu nhỏ bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế trọng điểm làm thất thoát tiền của dân, của nước; việc xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ công chức nội chính đảng theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp chúng ta vững vàng bước trên con đường đấu tranh góp phần làm trong sạch đội ngũ, giữ vững và bảo vệ ANQG giữ gìn TTATXH, lấy lại và tăng cường lòng tin của dân đối với Đảng.

                    VT/BNC

Các tin mới hơn
Đảng bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025(28/06/2023)
Ban Bí thư quy định về cách thức sử dụng cờ Đảng(10/03/2023)
Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương: Hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm(06/12/2021)
Ban hành quy định mới về 19 điều đảng viên không được làm(01/11/2021)
4 giải pháp để nâng cao “tính Đảng” của đảng viên trong sinh hoạt đảng(09/07/2021)
Các tin cũ hơn
Cán bộ nội chính Đảng không ngừng sáng tạo để hoàn thành tốt chức năng tham mưu.(12/10/2016)
Cán bộ Nội chính Đảng phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân(12/10/2016)
Chùm ảnh : Hội thảo về chuẩn mực cán bộ Nội chính Đảng “ Trung thành, Liêm chính, Bản lĩnh, Sáng tạo” (06/10/2016)
Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh sơ kết công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2016 (09/08/2016)
Đảng bộ Ban Nội chính sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016.(05/07/2016)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín