na
Tuyên truyền PCTN
Chữa “bệnh” hình thức trong kê khai tài sản
08/06/2017 02:52:14

Sau mỗi vụ việc tham ô, tham nhũng được phát hiện, chúng ta mới “giật mình” bởi lâu nay, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức vẫn chưa hiệu quả, mang tính hình thức.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và quản lý cán bộ trong tình hình hiện nay.

Kê khai tài sản vẫn là hình thức

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực. Còn theo  báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (12/7/2016), quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thì từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng thời hạn đã đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ trên 98%. Qua 10 năm đã xác minh gần 4.900 trường hợp nhưng chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, còn có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

Ở TP Hồ Chí Minh, trong thời gian từ ngày 1/1/2007 đến 30/6/2016, đã xảy ra 1 trường hợp xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập và đã bị kết luận kê khai không trung thực. Đây là kết quả rất khiêm tốn cho thấy kê khai tài sản chỉ là hình thức.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 cũng khẳng định, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực. Chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai. Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho biết: Tôi cho rằng việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thời gian qua mang lại hiệu quả không cao, thể hiện rõ việc kê khai vẫn rất hình thức do thiếu cơ chế giám sát. Ví dụ, nhiều cán bộ có chức, có quyền bị nhân dân viết đơn phản ánh là nhiều đất, nhiều nhà, lúc đó cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh mới phát hiện. Chính vì vậy, tôi cho rằng để đánh giá việc kê khai tài sản của người cán bộ có chức, có quyền thế nào là đúng, là trung thực thì không được buông lỏng cơ chế giám sát. Thực ra việc kê khai tài sản vừa là để quản lý giám sát cán bộ có chức, có quyền, vừa là để chứng minh bản thân người đó minh bạch. Nếu người cán bộ mà kê khai tài sản đúng thì chính là bảo vệ cho mình, nghĩa là bảo vệ tài sản của người cán bộ đảng viên đó trước khi được đề bạt lên một chức vụ mới. Khi tổ chức, cơ quan thấy cán bộ đảng viên kê khai tài sản có dấu hiệu chưa minh bạch thì cấp ủy, chi bộ trong tổ chức, cơ quan đó phải yêu cầu người cán bộ đảng viên tự lý giải tài sản đó do đâu mà có. Nếu người cán bộ đảng viên có chức có quyền cố tình giấu giếm mà cơ quan giám sát phát hiện thì phê bình, kiểm điểm, thậm chí có thể buộc thôi việc hoặc cách chức. Còn nếu tài sản lớn có dấu hiệu tham nhũng không giải thích được thì xử lý theo pháp luật. Như vậy việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ đảng viên có chức, có quyền mới có hiệu quả.

Đồng quan điểm với Phó Chủ nhiệm Trương Minh Hoàng, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khoá XIV cho rằng: Kê khai tài sản đấy và nộp đấy, nhưng hiệu quả đạt được còn thấp, nặng tính hình thức. Nếu tất cả các bản kê khai được làm sáng tỏ đúng, sai và ai không trung thực đều bị xử lý thì mới có thể phát huy được hiệu quả, khắc phục được bệnh hình.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Đối tượng có nguy cơ tham nhũng nhiều nhất là quan chức, nhưng việc kê khai tài sản hiện nay vẫn là việc hình thức, kê nhưng không công khai, minh bạch được nhiều, được sâu; kê nhưng không có thẩm định, xác minh và kê không trung thực cũng không quản lý được.

Thời gian qua có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỉ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được. Điều đó cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Trở lại câu chuyện tài sản “khủng” với hơn 11,78 triệu cổ phiếu DQC tương đương gần 700 tỷ đồng mà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình sở hữu tại Công ty Điện Quang đã tự khẳng định đó là số cổ phiếu “đã được kê khai đầy đủ”, “kê khai tài sản hàng năm”. Tuy nhiên, dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi về sự minh bạch trong tài sản và cách thức quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng: Công chức, lãnh đạo quản lý đâu có sống một mình, mà đa phần sống với vợ, con, bố mẹ. Nếu họ dịch chuyển tài sản để cho con cái, bạn bè, người thân đứng tên thì với quy định của pháp luật hiện nay cũng khó phát hiện và xử lý được...

Khắc phục tính hình thức trong kê khai tài sản

Nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế yếu kém trong kê khai tài sản, trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong điều kiện hiện nay, Đảng ta đã ban hành Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/5/2017, về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Việc đưa ra Quy định kiểm tra, giám sát như vậy thể hiện quyết tâm của Đảng là không có vùng cấm, không né tránh, chức vụ càng cao càng phải làm gương trước. Thực hiện kê khai như vậy là “trên trước, dưới sau”.

Theo đó, kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Quy định nêu rõ chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt.

Chủ thể kiểm tra yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan, thực hiện đầy đủ, rõ ràng, kịp thời của việc kê khai tài sản và biến động tài sản phải kê khai; tính xác thực, hợp pháp về nguồn gốc của tài sản tăng thêm. Xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ theo quy định.

Báo cáo đầy đủ, trung thực, kịp thời về việc kê khai tài sản theo yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát. Giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Theo đó, nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, là việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Quy định chỉ rõ về các vi phạm và việc xử lý vi phạm kê khai tài sản đó là: Không kê khai, kê khai không trung thực, kê khai không đúng quy định. Giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc tài sản tăng thêm: Không giải trình, giải trình không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời theo quy định và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đồng chí Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Trong quy định đã nêu rõ toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà khi có 3 căn cứ sau sẽ phải kiểm tra. Thứ nhất, khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Thứ 2, trường hợp xuất hiện đơn thư, kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ. Và cuối cùng, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản. Chỉ cần xuất hiện một trong ba căn cứ đó thì sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh.

Các vi phạm trong quá trình kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản đó là: Đối với đối tượng kiểm tra, giám sát và các cơ quan tổ chức có liên quan; không chấp hành yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát và có hành vi cản trở bất hợp tác trong quá trình kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản sửa chữa, bổ sung, giả mạo về hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc tài sản của bản thân và gia đình; gây áp lực, mua chuộc tổ chức, cá nhân đang thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; cung cấp thông tin, tài liệu nhằm làm sai lệch kết quả giám sát, kết luận kiểm tra việc kê khai tài sản. Đối với chủ thể kiểm tra, giám sát: Làm lộ thông tin về tài sản của đối tượng kiểm tra, giám sát; làm sai lệch hồ sơ kiếm tra, giám sát việc kê khai tài sản; nhận xét, kết luận thiếu căn cứ, không khách quan trong quá trình kiểm tra, giám sát.

Quy định này là cơ sở quan trọng để sửa Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm khắc phục kê khai tài sản hình thức, kê là phải công khai, để không còn kẽ hở cho những kẻ cơ hội, lợi dụng, “lách luật” trục lợi, tham nhũng.

Thực tế cho thấy, đây là vấn đề lâu nay nhân dân, dư luận rất quan tâm và đặt vấn đề nhiều về đối tượng thuộc diện kê khai tài sản nhưng còn mang tính hình thức. Qua kiểm tra, giám sát xác định xem ai kê khai không trung thực, không đúng để xem xét xử lý. Từ đó sẽ làm cho việc kê khai đi vào thực chất, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Đồng thời, đây là một trong những nội dung trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Chính phủ liêm chính, vì dân./.

Nguồn ĐCSVN

Các tin mới hơn
Tăng cường kiểm tra, giám sát để chủ động phát hiện tiêu cực, tham nhũng(07/07/2021)
Không ngừng, không nghỉ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng(01/02/2021)
93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng(06/11/2020)
Một số điểm mới trong chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn tại Luật Phòng chống tham nhũng 2018.(20/12/2019)
PHÒNG CHỐNG "THAM NHŨNG VẶT"(15/11/2019)
Các tin cũ hơn
Giải pháp "vị trí, việc làm" trong tiến trình cải cách hành chính ở nước ta hiện nay(07/04/2017)
Cuốn sách quý "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng(21/03/2017)
Chống tham nhũng bắt đầu quyết liệt!(24/02/2017)
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí(04/12/2016)
Lãng phí trong quy hoạch còn lớn hơn tham ô, tham nhũng(24/11/2016)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Hình ảnh hoạt động
http://dochoi.haiduong.net.vn http://haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín